0908.750.911
info@chac2.vn

Thông tin về bệnh đậu mùa khỉ

Thông tin về bệnh đậu mùa khỉ

Lượt xem: 20615

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi rút gây ra, tức là bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người.

Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.

Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, và hình thành một lớp da mới.

Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Bệnh đậu mùa có gây bệnh nặng hoặc tử vong không?

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Các biến chứng ở bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi, lú lẫn, và các vấn đề về mắt. Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động khoảng 1% – 10%. Lưu ý, tỷ lệ tử vong ở các bối cảnh khác nhau có thể khác nhau do nhiều yếu tố, như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ tử vong cao này có thể là do ước tính quá mức bởi vì việc giám sát bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ giới hạn ở số liệu trước đây.

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ người sang người như thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Chúng ta vẫn chưa xác định được người bệnh có thể lây truyền bệnh trong bao lâu, nhưng nói chung, người bệnh được coi là vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác cho tới khi tất cả các tổn thương đã đóng vảy, lớp vảy đã bong ra và hình thành một lớp da mới.

Môi trường sống có thể bị nhiễm vi rút bệnh đậu mùa khỉ. Ví dụ, khi một người mang mầm bệnh đậu mùa khỉ sờ, hay chạm vào quần áo, ga, gối, khăn mặt, các đồ vật, dụng cụ ăn như bát/đĩa, xoong chảo, đồ điện tử hoặc các bề mặt. Khi người khác chạm vào các đồ vật này thì họ sẽ bị nhiễm bệnh. Chúng ta cũng có thể bị nhiễm bệnh do hít phải vảy da hoặc vi rút từ quần áo, ga gối hoặc khăn mặt. Cơ chế này gọi là lây truyền qua vật trung gian (fomite).

Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là vi rút có thể phát tán qua tiếp xúc trực tiếp với miệng, giọt bắn hô hấp và có thể qua hạt bụi khí (aoresol) phạm vi gần. Chúng ta vẫn chưa hiểu hết cơ chế lây truyền qua không khí của bệnh đậu mùa khỉ, và vẫn cần nghiên cứu thêm.

Vi rút cũng có thể làm lây bệnh từ người mang thai sang thai nhi, sau sinh qua tiếp xúc da với da, hoặc từ cha mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ sang trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi tiếp xúc gần.

Mặc dù đã ghi nhận các ca bệnh không triệu chứng nhưng chúng ta vẫn chưa rõ liệu người bệnh không triệu chứng có làm lây bệnh hay không, hay bệnh có thể lây truyền qua các loại dịch khác của cơ thể hay không. Các mẩu DNA từ vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ đã được tìm thấy trong tinh dịch nhưng chúng ta vẫn chưa biết bệnh đậu mùa khỉ có lây truyền qua tinh dịch, dịch âm đạo, nước ối, sữa mẹ hay máu không. Hiện các nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu xem bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua việc trao đổi dịch thể trong và sau khi nhiễm bệnh có triệu chứng hay không.

Ảnh: Reuters/TTXVN

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người như thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi con người tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Vật chủ bao gồm các loài động vật gặm nhấm và linh trưởng. Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ từ động vật bằng cách tránh tiếp xúc với động vật hoang dã nếu không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân, đặc biệt là động vật bị ốm hoặc đã chết (bao gồm cả thịt và máu của chúng). Ở các nước có bệnh lưu hành, nơi động vật mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần nấu chín kỹ thịt hoặc bộ phận của động vật trước khi ăn.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ai?

Người sống cùng hoặc tiếp xúc gần (bao gồm quan hệ tình dục) với người bị mắc bệnh đậu mùa khỉ, hoặc người tiếp xúc thường xuyên với động vật bị bệnh có nguy cơ cao nhất mắc bệnh. Nhân viên y tế cần thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn để bảo vệ chính họ khi chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trẻ sơ sinh, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn, và có thể tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Người đã tiêm vắc xin ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa vì tiêm chủng đậu mùa đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh này đã được thanh toán vào năm 1980. Người đã được tiêm phòng đậu mùa vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân và người khác.

Tôi có thể bảo vệ bản thân và người khác trước bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?

Giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm hoặc đã mắc bệnh, hoặc với động vật có thể bị nhiễm bệnh. Thường xuyên làm sạch và khử trùng môi trường có thể bị nhiễm vi rút từ người mắc bệnh. Thường xuyên cập nhật thông tin về bệnh đậu mùa khỉ ở khu vực bạn sinh sống và trao đổi cởi mở với những người bạn tiếp xúc gần (đặc biệt là có quan hệ tình dục) về bất cứ triệu chứng nào bạn hoặc họ có.

Nếu bạn nghi ngờ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần bảo vệ bản thân bằng cách tham khảo ý kiến bác sỹ và tự cách li với những người xung quanh cho tới khi được thăm khám và có kết quả xét nghiệm. Nếu bạn có khả năng mang bệnh hoặc đã khẳng định là mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần cách li với những người khác cho tới khi các mụn đóng vảy, vảy bong ra và hình thành lớp da mới. Làm như vậy, sẽ giúp ngăn chặn vi rút lây truyền sang những người khác. Tham khảo ý kiến bác sỹ xem có cần cách li tại nhà hay tại cơ sở y tế. Cho tới khi chúng ta hiểu hơn về cơ chế lây truyền qua dịch sinh dục, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục trong 12 tuần sau khi đã khỏi bệnh.

Tôi cần làm gì nếu tôi thấy mình có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ hoặc đã tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Nếu bạn tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc với môi trường có thể bị nhiễm vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ, cần tự theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng trong 21 ngày sau thời điểm bạn tiếp xúc gần đó nhất. Hạn chế tiếp xúc với những người khác, khi không thể tránh tiếp xúc được, cần thông báo cho người bạn tiếp xúc là bạn đã bị phơi nhiễm với bệnh đậu mùa khỉ.

Nếu bạn thấy mình có các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, cần liên lạc với cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám, làm xét nghiệm và chăm sóc y tế. Tự cách li, tránh tiếp xúc với những người khác cho tới khi có kết quả xét nghiệm. Rửa sạch tay thường xuyên.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, cơ sở y tế sẽ thông báo cho bạn xem có cần cách li tại nhà hay tại cơ sở y tế, và cung cấp chăm sóc cần thiết.

Nếu tôi bị bệnh đậu mùa khỉ, tôi cần phải làm gì để bảo vệ những người khác?

Nếu bạn bị bệnh đậu mùa khỉ, cơ sở y tế sẽ hướng dẫn xem bạn cần được chăm sóc tại cơ sở y tế hay tại nhà. Điều này tùy thuộc vào tình trạng triệu chứng của bạn, hay bạn có các yếu tố nguy cơ mắc các triệu chứng nặng hơn, và liệu bạn có thể giảm thiểu nguy cơ lây bệnh sang người khác sống cùng hay không.

Nếu được hướng dẫn cách li tại nhà, cần tuân thủ hướng dẫn. Hãy bảo vệ người khác sống cùng bằng cách:

  • Cách li tại phòng riêng
  • Sử dụng nhà vệ sinh riêng, hoặc vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng
  • Thường xuyên vệ sinh các bề mặt hay chạm vào bằng xà phòng và nước sạch và dung dịch khử khuẩn gia dụng và tránh quét/hút (điều này gây phát tán các phân tử vi rút và làm lây nhiễm cho người khác)
  • Sử dụng riêng các đồ dùng trong gia đình, khăn mặt, ga gối và đồ điện tử
  • Tự giặt giũ đồ của riêng mình (thay ga gối, quần áo và khăn mặt cẩn thận, không lắc, văng các đồ vật, đặt các đồ này vào túi nilon trước khi mang ra máy giặt và giặt đồ bằng nước nóng > 60 độ C)
  • Mở cửa sổ để thông khí
  • Khuyến khích mọi thành viên trong gia đình rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch cồn sát khuẩn.

Trường hợp phải ở chung phòng với người khác hoặc đã tiếp xúc gần với người khác trong khi đang cách li tại nhà, cần cố gắng hạn chế nguy cơ bằng cách:

  • Tránh sờ, chạm vào nhau
  • Rửa tay thường xuyên
  • Che các nốt ban bằng quần áo hoặc băng gạc
  • Luôn mở cửa sổ nhà
  • Đảm bảo bạn và bất cứ ai trong phòng cùng với bạn đeo khẩu trang y tế đúng cách
  • Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét khi tiếp xúc.

Nếu không thể tự mình giặt giũ hoặc ai đó giặt đồ giúp bạn, thì cần đảm bảo người đó đeo khẩu trang y tế đúng cách, đeo găng tay sử dụng một lần và sử dụng các biện pháp bảo vệ khi giặt đồ như đã mô tả ở trên.

Có vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ không?

Có. Đã có một vắc xin phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ mới được phê duyệt gần đây. Một số nước khuyến cáo tiêm phòng cho những người có nguy cơ. Nhiều năm nghiên cứu đã giúp phát triển các vắc xin mới hơn và an toàn hơn nhằm phòng ngừa căn bệnh vốn đã được thanh toán đó là bệnh đậu mùa, và vắc xin này cũng có thể phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Một trong những loại vắc xin này đã được phê duyệt để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Chỉ nên cân nhắc tiêm phòng vắc xin cho những đối tượng có nguy cơ (ví dụ người tiếp xúc gần với người mắc bệnh bệnh đậu mùa khỉ). Ở thời điểm hiện tại, không khuyến cáo tiêm phòng diện rộng cho mọi đối tượng.

Mặc dù vắc xin đậu mùa cho thấy có tác dụng bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ trước đây nhưng số liệu hiện tại về hiệu quả bảo vệ của các vắc xin đậu mùa phổ biến/đậu mùa khỉ mới hơn trong việc phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ trong thực hành lâm sàng và trong cộng đồng còn rất hạn chế. Nghiên cứu việc sử dụng vắc xin phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ cho dù được sử dụng ở đâu sẽ cho phép có thông tin bổ sung nhanh về hiệu quả bảo vệ của các loại vắc xin này trong các bối cảnh khác nhau.

vaccine mua dau khi

Điều trị bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ cần tuân thủ hướng dẫn của cơ sở y tế. Các triệu chứng thường tự mất mà không cần điều trị. Nếu cần, có thể sử dụng thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt để làm giảm các triệu chứng. Lưu ý, với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần giữ cho cơ thể đủ nước, ăn tốt và ngủ đủ giấc. Người tự cách li cần chăm sóc sức khỏe tâm chí cho bản thân bằng cách làm những điều mình thấy thoải mái và vui thích, luôn duy trì liên lạc với người thân qua công nghệ, cần tập thể dục nếu cảm thấy đủ khỏe trong lúc cách li, và đề nghị được hỗ trợ sức khỏe tâm thần nếu cần.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ cần tránh gãi và chú ý rửa tay trước khi trước và sau khi chạm vào các nốt ban và vị trí tổn thương, và giữ cho da khô và không che kín (trừ khi không thể tránh người ở cùng phòng – trong trường hợp buộc phải ở cùng phòng với người khác, cần che các nốt ban bằng quần áo hoặc băng gạc cho tới khi cách li lại). Có thể làm sạch các nốt ban bằng nước vô trùng hoặc sát khuẩn. Có thể xúc miệng bằng nước muối để vệ sinh các tổn thương trong miệng, và có thể tắm bằng nước ấm chứa natri bicabonat (thuốc muối) và muối Epsom để giúp làm dịu các tổn thương trên cơ thể. Có thể dùng Lidocaine (thuốc gây tê tại chỗ) bôi vào miệng và các tổn thương xung quanh để giảm đau.

Nhiều năm nghiên cứu về các phương pháp điều trị bệnh đậu mùa đã dẫn tới sự phát triển các sản phẩm có thể hiệu quả trong điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Một loại thuốc kháng vi rút đã được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa (tecovirimat) đã được Cơ quan Quản lý Thuốc châu Âu phê duyệt hồi tháng 1 năm 2022 để điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Kinh nghiệm về các loại thuốc điều trị này trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ bùng phát vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc sử dụng các loại thuốc này thường đi kèm với việc thu thập thông tin nhằm giúp nâng cao kiến thức về cách sử dụng các loại thuốc này một cách tốt nhất trong tương lai.

Nguồn: W.H.O