0908.750.911
info@chac2.vn

Khi nào trẻ được xem là chậm nói?

Khi nào trẻ được xem là chậm nói?

Lượt xem: 44965

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKI Đinh Nhã Uyên – Nguyên BS Khoa Nhi tại bệnh viện Nhi Đồng 2.

Khi nào trẻ được xem là chậm nói?

Dấu hiệu, mốc phát triển và điều cha mẹ cần làm sớm

Từ 0 đến 2 tuổi là giai đoạn “vàng” cho sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp ở trẻ nhỏ. Những gì trẻ nghe, nói và thể hiện trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học tập, kết nối xã hội và phát triển cảm xúc sau này.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh chờ đợi vì nghĩ rằng:
– “Con trai thì chậm nói hơn con gái là bình thường”
– “Tới tuổi đi học con sẽ nói thôi”
– “Ở nhà ít người nói chuyện nên con không nói cũng dễ hiểu”

Đây là những hiểu lầm phổ biến dẫn đến việc trẻ chậm nói không được phát hiện và can thiệp đúng lúc.

Thế nào là chậm nói ở trẻ?

Chậm nói là khi trẻ không đạt được những cột mốc ngôn ngữ theo độ tuổi mà phần lớn trẻ khác cùng lứa đạt được.

Theo các nghiên cứu, khoảng 90% trẻ em sẽ đạt được các kỹ năng ngôn ngữ phù hợp theo từng giai đoạn phát triển. Nếu trẻ thuộc nhóm 10% chưa đạt được những mốc này, thì nên được đưa đi đánh giá ngôn ngữ và phát triển toàn diện càng sớm càng tốt.

Giai đoạn 6 đến 9 tháng

– Bắt đầu bập bẹ: nói những âm vô nghĩa như “ba ba”, “ga ga”

-Thể hiện cảm xúc qua giọng nói, âm điệu

–> Nếu không có bi bô, trẻ có thể chậm ngôn ngữ biểu đạt (khả năng tạo ra âm thanh có mục đích giao tiếp).

Giai đoạn 12 tháng tuổi

– Nói được từ đơn có nghĩa: ba, mẹ, bà…

– Biết chỉ vào vật, lắng nghe lời gọi

–> Nếu không nói được từ đơn và không thể giao tiếp bằng ánh mắt hay cử chỉ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa.

Giai đoạn 15 tháng tuổi

– Biết gọi tên sự vật quen thuộc: chó, gà, mèo

– Biết chỉ tay để yêu cầu hoặc gây sự chú ý

–> Nếu trẻ không có hành vi chỉ tay hoặc không gọi tên được sự vật, có thể chậm cả ngôn ngữ nói và giao tiếp phi ngôn ngữ.

Giai đoạn 18 tháng tuổi

– Có thể nói khoảng 5 từ

– Hiểu được mệnh lệnh đơn giản: “Lấy bình nước”, “Đưa đồ chơi”

– Biết chia sẻ cảm xúc, phấn khích khi chơi, khi nhìn thấy điều thú vị

–> Nếu trẻ không làm theo yêu cầu, không thể hiện cảm xúc với người thân → cảnh báo nguy cơ chậm nói kèm rối loạn phát triển.

Giai đoạn 24 tháng tuổi (2 tuổi)

– Biết nối 2 từ như: “ăn cơm”, “đi chơi”, “mẹ bế”

– Vốn từ khoảng 50 từ trở lên

–> Nếu trẻ chỉ nói vài từ rời rạc, chưa biết nối từ → khả năng cao trẻ đang chậm ngôn ngữ biểu đạt.

                                                               Các cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ 0-24 tháng tuổi

Vì sao cần can thiệp sớm khi trẻ chậm nói?

Các nghiên cứu cho thấy:

  • Trẻ được can thiệp sớm trước 3 tuổi có khả năng bắt kịp ngôn ngữ cao hơn 80%

  • Ngược lại, nếu để qua “thời điểm vàng”, trẻ sẽ khó bắt nhịp, ảnh hưởng đến học tập, hành vi và tâm lý

Chậm nói không tự hết. Chờ đợi có thể khiến trẻ bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để phát triển toàn diện.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa phát triển ngôn ngữ?

– Trẻ không nói bập bẹ, không chỉ tay, không giao tiếp bằng ánh mắt

– 18–24 tháng vẫn chưa nói được từ đơn, không nối từ

– Không phản ứng khi được gọi tên

– Không thể hiện cảm xúc, không chia sẻ hứng thú

– Có tiền sử sinh non, nhẹ cân, vàng da nặng, thở máy kéo dài

Hy vọng rằng thông qua bài viết này, ba mẹ sẽ có cái nhìn cụ thể và rõ ràng hơn trong quá trình chăm sóc, quan sát và đồng hành cùng con ở những cột mốc phát triển ngôn ngữ quan trọng. Việc hiểu và nhận biết sớm những dấu hiệu chậm nói không chỉ giúp con được hỗ trợ đúng lúc mà còn mở ra nhiều cơ hội cho con phát triển tốt hơn trong tương lai.

Hãy lắng nghe con bằng cả trái tim và hành động kịp thời nếu có những dấu hiệu bất thường, ba mẹ nhé!